Hội nghị lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định về quản lý dự án đầu tư phát triển đô thị
Ngày 09/6, Bộ Xây dựng và UBND Thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định về quản lý dự án đầu tư phát triển đô thị ( thay thế NĐ 02/2006/NĐ-CP về Quy chế KĐTM). Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng và Phó Chủ tịch UBND Thành phố Phí Thái Bình cùng trủ trì hội nghị, cùng sự tham gia của nhiều sở, ngành liên quan như Xây dựng, Quy hoạch kiến trúc, Kế hoạch Đầu tư...
Theo Thứ trưởng Trịnh Đình Dũng, hệ thống pháp luật liên quan đến phát triển đô thị trong đó có NĐ 02 đã tác động rất mạnh đến phát triển đô thị trong những năm qua, cả về quy mô lẫn chất lượng, đặc biệt là phát triển nhà ở ngày càng tăng. Phát triển đô thị được coi là động lực, hạt nhân để phát triển kinh tế-xã hội của mỗi vùng, mỗi địa phương. Tuy nhiên nhìn nhận nghiêm túc, công tác phát triển đô thị đang đứng trước thách thức lớn, nhất là vấn đề về quy hoạch, phát triển KĐTM...Tại Hà Nội, quy hoạch chưa lấp nhưng dự án thì đã đầy. Không có quy hoạch chi tiết nên phát triển đô thị lộn xộn. Nhiều địa phương rất lúng túng trong công tác phát triển đô thị, thấy lợi trước mắt thì làm, chưa có tầm nhìn; hạ tầng kỹ thuật , hạ tầng xã hội chưa được quan tâm, hạ tầng các KĐTM cũng chưa được kết nối; cơ cấu nhà ở xã hội và nhà thương mại phát triển không bình thường ( chỉ có 1% đô thị)...Từ những bất cập đó cần phải có NĐ mới về quản lý đô thị thay thế NĐ 02 để kịp thời điều chỉnh và giải quyết những vướng mắc hiện nay. Hà Nội và Hồ Chí Minh là 2 đô thị trọng tâm, đặc biệt Hà Nội có nhiều kinh nghiệm trong phát triển đô thị, những ý kiến đóng góp sẽ mang tính thiết thực.
Đồng quan điểm với Thứ trưởng Dũng, Phó Chủ tịch Phí Thái Bình cũng cho rằng công tác phát triển đô thị Hà Nội đang gặp rất nhiều bất cập, đô thị đang phát triển kiểu “vừa chạy nhanh vừa xếp hàng”. Các dự án đã phủ kín màu vàng trên bản đồ quy hoạch chung, trong khi khó khăn nhất là quản lý hậu đầu tư – đây cũng là vấn đề gây khiếu kiện kéo dài, gây lộn xộn trong xã hội. Nghị định mới cần đặt ra nhiều vấn đề để Hà Nội có thể chấn chỉnh lại công tác quản lý, phát triển đô thị.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết Sở đã gửi văn bản lên Bộ Xây dựng góp ý 17 vấn đề cho Dự thảo, tuy nhiên tại hội nghị ông Tuấn cũng nêu những bức xúc trong công tác quản lý đô thị mà hiện nay Sở đang thực hiện, mong muốn NĐ mới đưa ra những quy định phù hợp với thực tiễn hơn. Cụ thể ngay từ tên gọi “NĐ về quản lý dự án đầu tư phát triển đô thị” theo ông Tuấn chưa thể hiện hết nội dung của NĐ, bởi NĐ điều chỉnh các hoạt động liên quan đến việc hình thành các khu vực phát triển đô thị và quản lý các dự án đầu tư phát triển đô thị từ quy hoạch cho tới vận hành khai thác, chuyển giao khi dự án hoàn thành. Vì vậy Sở Xây dựng đề xuất tên gọi của NĐ là “ NĐ về quản lý đầu tư phát triển đô thị”.
Điều 6 của NĐ về kinh phí cho phát triển đô thị, theo Sở Xây dựng cần tránh để hiểu là kinh phí cho công tác phát triển đô thị chủ yếu được lấy từ nguồn ngân sách, vì như vậy là chưa hoàn toàn phù hợp và tính khả thi thấp trong thực tiễn, không thể hiện được chủ trương huy động các nguồn lực xã hội cùng tham gia vào công tác xây dựng và phát triển đô thị. Quy định cần phân định rõ những phần việc gì nhất thiết phải sử dụng vốn ngân sách, phần việc gì dùng xã hội hóa...
Nhiều vấn đề trong NĐ như việc xác định khu vực phát triển đô thị; Quy hoạch chi tiết của dự án đầu tư phát triển đô thị; Điều lệ quản lý khu vực phát triển đô thị; Lập dự án, phân loại các dự án đầu tư phát triển đô thị, nghĩa vụ của các chủ dự án... cũng đã được các Sở, ngành trình bày, góp ý xây dựng NĐ mới. Đặc biệt theo Viện trưởng Viện Quy hoạch HN Lã Kim Ngân, với đặc thù của đô thị Hà Nội, cùng với các khu vực phát triển đô thị, còn nhiều khu phố cũ hiện có cần phải cải tạo, chỉnh trang và bảo tồn. Chức năng bảo tồn rất quan trọng tại các đô thị, vấn đề này cũng chưa được đề cập trong Dự thảo. NĐ mới cần bao trùm cả các dự án cải tạo, chỉnh trang, bảo tồn khu vực hiện có...
Tổng kết hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định Bộ Xây dựng sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp, bảo đảm các quy định được đưa ra có tính khoa học, tính thực tiễn để NĐ có sức sống, đưa quy định ra để giải quyết được. Theo Thứ trưởng, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng trong NĐ mới sẽ bao trùm tất cả những gì diễn ra trên đô thị.
Trong thời gian tới Bộ Xây dựng tiếp tục lấy ý kiến đóng góp từ các địa phương, các Tcty lớn chuyên ngành để nhanh chóng xây dựng Dự thảo trình Chính phủ./.
Theo : Báo Xây dựng điện tử