Hội nghị Sơ kết công tác lập quy hoạch xây dựng 11 xã thí điểm thuộc Chương trình thí điểm xây dựng nông thôn mới
Sáng 18/6/2010, tại cơ quan Bộ Xây dựng đã diễn ra Hội nghị Sơ kết công tác lập quy hoạch xây dựng 11 xã thí điểm thuộc Chương trình thí điểm xây dựng nông thôn mới. Tới dự Hội nghị có ông Trương Tấn Sang – Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình nông thôn mới, Bộ trưởng Bộ Xây dựng – Nguyễn Hồng Quân, Thứ trưởng Bộ Xây dựng - Nguyễn Đình Toàn, Bùi Phạm Khánh, cùng các đại diện trong Ban chỉ đạo, lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện, các đồng chí chủ nhiệm 11 đồ án thí điểm và nhiều phóng viên báo đài cùng tham dự.
Sau gần 1 năm triển khai nhiệm vụ của Ban chỉ đạo Trung ương xây dựng mô hình thí điểm nông thôn mới (NTM) tại Thông báo số 238-TB/TW của Ban chấp hành Trung ương ngày 07/4/2009, Bộ đã ban hành các văn bản về Quy hoạch nông thôn theo yêu cầu xây dựng NTM, đồng thời đã giao Viện Kiến trúc Quy hoạch đô thị và Nông thôn lập 11 đồ án quy hoạch xây dựng 11 xã điểm để làm cơ sở cho Chương trình rà xoát xây dựng NTM ban hành theo quyết định 193/QĐ-TTG ngày 02/02/2010 của Thủ tướng Chính Phủ, với mục tiêu quy hoạch xây dựng xã có kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn được nâng cao, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội hiện đại, tổ chức sản xuất hợp lý gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ và bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá đặc trưng.
Căn cứ vào tiêu chí lựa chọn và giao nhiệm vụ của Ban chỉ đạo Trung ương, BXD đã lập quy hoạch xây dựng 11 xã điểm gồm: Xã Thanh Chăn – huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên; Xã Tân Thịnh - huyện Lạng Giang – tỉnh Bắc Giang; Xã Hải Đường – huyện Hải Hậu – tỉnh Nam Định; Xã Gia Phổ – huyện Hương Khê – tỉnh Hà Tĩnh; Xã Tam Phước – huyện Phú Ninh – tỉnh Quảng Nam; Xã Tân Hội - huyện Đức Trọng- tỉnh Lâm Đồng; Xã Tân Lập - Đồng Phú- Bình Phước; Xã Định Hoà- huyện Gò Quao – tỉnh Kiên Giang; Xã Mỹ Long- huyện Cầu Ngang- tỉnh Trà Vinh; Xã Tân Thông Hội – huyện Củ Chi- Tp. Hồ Chí Minh; Xã Thuỵ Hương –huyện Chương Mỹ- TP.Hà Nội.
Nội dung nghiên cứu chủ yếu của đồ án quy hoạch chung xây dựng tại 11 xã điểm gồm phạm vi, đối tượng, thời hạn quy hoạch và nội dung nghiên cứu. Về nội dung nghiên cứu chủ yếu là quy hoạch chung xây dựng toàn xã bao gồm: Quy hoạch sử dụng đất; Quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường; Quy hoạch khu dân cư, nhà ở và quy hoạch bảo tồn các không gian cảnh quan có giá trị; Quy hoạch hệ thống trung tâm, hệ thống hạ tầng xã hội tại cấp xã và thôn, tiếp đến là nghiên cứu các dự án ưu tiên đầu tư đến năm 2011; Quy định về quản lý phát triển nông thôn mới theo QHXD; Quy hoạch xây dựng chi tiết đối với khu trung tâm xã.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân, đây là cuộc vận động lớn của toàn Đảng, toàn dân. Bộ Xây dựng triển khai thí điểm lập quy hoạch 11 xã, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm và nhân rộng, nhằm phủ kín quy hoạch nông thôn trên phạm vi toàn quốc. Bộ trưởng nhấn mạnh: Để nông thôn phát triển phải lấy người dân làm hạt nhân và có cơ chế chính sách phù hợp. Đồ án Quy hoạch chung sẽ định hướng và tổ chức không gian cho phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của địa phương, vùng và quy hoạch phát triển ngành cũng như phù hợp với Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.
Quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch không nên cứng nhắc, nếu cần có thể sửa đổi bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế, để đồ án đó được triển khai hiệu quả trong thực tế.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác quy hoạch trong xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đồng thời, cũng lưu ý, công tác quy hoạch nói riêng và xây dựng chương trình nông thôn mới nói chung phải lấy việc phục vụ đời sống dân sinh làm hạt nhân, vai trò cũng như ý kiến đóng góp của người dân phải được thể hiện trong đồ án. Việc tổ chức thực hiện và xây dựng theo quy hoạch cần được triển khai quyết liệt để xây dựng được nông thôn mới hiện đại văn minh, có kinh tế phát triển, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng cao, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội hiện đại, tổ chức sản xuất hợp lý gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ và bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá.
Nguồn: www.moc.gov.vn