'Hà Nội cần có những tuyến đường dành riêng cho ôtô'
Theo ông Doãn Minh Tâm, Viện trưởng Khoa học và Công nghệ giao thông, để giải quyết ùn tắc, Hà Nội cần tổ chức các tuyến đường dành riêng cho ôtô từ Nhà hát lớn đến Cầu Giấy, từ trung tâm đến trục giao thông Giáp Bát...
Hàng loạt vấn đề liên quan đến ùn tắc, tai nạn giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP HCM, đã được các chuyên gia phân tích, mổ xẻ trong hội thảo khoa học do Bộ Công an tổ chức sáng 29/6, tại Hà Nội.
Các chuyên gia giao thông khẳng định, hầu hết mọi biện pháp chống ùn tắc giao thông hiện nay đều chưa hiệu quả. Ảnh: Hoàng Hà |
TS Doãn Minh Tâm, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải, cho rằng nguyên nhân chính gây ùn tắc giao thông ở Hà Nội và TP HCM là dòng xe hỗn hợp cùng tham gia và cản trở nhau trong quá trình lưu hành. Biểu đồ tăng trưởng mô tô, xe máy tăng đều đặn hằng năm 10-15%, nhưng các thành phố chưa quan tâm đúng mức đến việc quản lý, kiểm soát, chấn chỉnh loại phương tiện phức tạp này. Hơn nữa, tuy chiếm số đông, nhưng dòng xe 2 bánh đã và đang thực sự thiếu phần đường riêng để chạy.
Ông Tâm phân tích, ở hầu hết các nút giao thông Hà Nội và TP HCM, tình trạng ôtô xếp hàng 2-3, thậm chí 4, lấn chiếm làn của dòng xe 2 bánh, buộc dòng xe này phải luồn lách qua các chỗ trống, thậm chí trèo lên vỉa hè để tìm lối thoát là một nguyên nhân gây ùn tắc. Vì thế, chừng nào còn tồn tại dòng xe hỗn hợp với lưu lượng lớn trên đường thì chừng đó còn xảy ra tắc nghẽn.
Cho rằng tất cả biện pháp nhằm chống ùn tắc giao thông từ trước tới nay đều chưa hiệu quả, ông Tâm kiến nghị ngoài việc xây dựng đường sắt trên cao, đường cao tốc..., trước mắt cần tập trung tổ chức phân luồng, tuyến trên cơ sở quy hoạch tổng thể về tổ chức giao thông trên toàn bộ mạng lưới giao thông tại các thành phố lớn.
Riêng Hà Nội, Viện trưởng Tâm cho rằng cần xây dựng tuyến đường dành riêng cho ôtô từ Nhà hát lớn đến Cầu Giấy, từ trung tâm thành phố đến trục giao thông Giáp Bát... Đây sẽ là giải pháp đột phá giải quyết ùn tắc. Bên cạnh đó, Hà Nội cần tổ chức lại giao thông trên các nút, trên cơ sở tận dụng đèn tín hiệu hiện có. Hà Nội hiện có 170 nút bố trí đèn tín hiệu, điều này sẽ rất thuận lợi để tổ chức giao thông bằng đèn.
Đề cập đến giải pháp bịt ngã tư, ông Tâm cho rằng, việc dỡ bỏ rào chắn bịt ngã tư tại những điểm vừa qua là hợp lý. Theo ông Sở Giao thông không nên bịt lại mà nên tổ chức cho xe đi thẳng và rẽ phải như thế sẽ thông thoáng hơn.
"Tôi được biết việc tổ chức lại giao thông là sự hợp tác giữa của liên ngành công an và giao thông, nhưng thời gian qua sau khi Sở Giao thông dỡ bỏ một số nút ngã tư bị bịt thì ngành công an đề xuất bịt lại. Điều này cho thấy chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa 2 ngành. Do đó, cần có một trung tâm kiểm soát điều hành giao thông của thành phố đứng ra làm việc này", ông Tâm nói.
Cảnh thường thấy trong giờ cao điểm của Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà |
Theo PGS Nguyễn Quang Đạo, giảng viên ĐH Xây dựng, đối với Hà Nội và TP HCM, cái gốc của vấn đề, nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến ùn tắc là công tác quy hoạch.
Chuyên gia này chỉ ra bất hợp lý hiện nay là trong các quy hoạch, mỗi khi đề cập đến lĩnh vực giao thông vận tải thường hay nhấn mạnh về xây dựng cơ sở hạ tầng mà quên rằng phải xuất phát từ nhu cầu vận chuyển, rồi quy hoạch phương tiện vận chuyển thì mới xác định được hạ tầng cần thiết. Nếu cứ "bốc" hạ tầng trước thì thử hỏi xây dựng hạ tầng phục vụ đối tượng nào?
Theo ông Đạo, nếu chỉ ngành giao thông và quản lý đô thị chuyên lo hạ tầng giao thông thì sẽ chẳng bao giờ đáp ứng được đầy đủ nhu cầu, tất yếu sẽ dẫn đến ùn tắc. "Hiện có tình trạng, quy hoạch tổng thể không gian đô thị còn đang làm thì hầu hết quy hoạch chi tiết các quận, huyện đã phê duyệt. Cách làm này gây hậu quả xấu và đương nhiên sẽ còn nhiều còn đường đắt nhất hành tinh", ông Đạo nói.
Theo báo cáo của Bộ Công an, năm 2009, cả nước xảy ra hơn 250 vụ ùn tắc giao thông kéo dài hơn một giờ, tăng gần 80% số vụ so với năm 2008. Trong đó, Hà Nội xảy ra 101 vụ, TP HCM 78 vụ. Một trong những nguyên nhân quan trọng của tình trạng trên là do công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn, phòng ngừa và giải quyết ùn tắc giao thông của một số bộ, ngành địa phương chưa quyết liệt, hiệu quả chưa cao.
(Nguồn: Theo VnEpress.net)