TIẾP CẬN TRÁCH NHIỆM TRONG THU HÚT ĐẦU TƯ SÂN GOLF ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Các địa phương cần có một cách tiếp cận trách nhiệm hơn trong việc thu hút đầu tư phát triển sân golf, vừa tạo ra động lực thúc đẩy kinh tế – văn hoá – du lịch, nhưng cũng đồng thời đảm bảo các mục tiêu phát triển cân bằng và bền vững.
Sân golf – động lực phát triển kinh tế – xã hội của địa phương
Với cảnh quan đẹp và các chi phí dịch vụ phải chăng, các sân golf tại Việt Nam dần trở thành điểm đến ưa thích của các golfer trên khắp thế giới, đặc biệt là các khách du lịch Hàn Quốc, Nhật Bản. Trong 2 năm 2019 và 2021, Việt Nam được Tổ chức Golf World Award bình chọn là điểm đến golf tốt nhất thế giới và 5 năm liên tục (kể từ năm 2017) là điểm đến golf tốt nhất Châu Á.
Thống kê từ Hiệp hội du lịch golf Việt Nam cho hay, trong 7 tháng đầu năm 2023, có khoảng 1 triệu lượt khách du lịch golf trong số 6,6 khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Trước khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch do Covid-19, ngành kinh doanh du lịch golf tại Việt Nam từng mang lại doanh thu gần 5.000 tỷ đồng mỗi năm.
Nắm bắt xu thế phát triển, các sân golf tiếp tục được nhiều tỉnh, thành bổ sung vào các quy hoạch đang được triển khai theo Luật Quy hoạch mới số 21/2017/QH14, như là một trong những động lực phát triển kinh tế xã hội của địa phương trong thời gian tới.
Trong tổng số 53 tỉnh được phê duyệt và 10 tỉnh đang trình thẩm định quy hoạch, đã xác định được khoảng 283 sân golf và 11 cụm sân golf nằm trong các quy hoạch được phê duyệt và 46 sân golf nằm trong các quy hoạch tỉnh đang trình thẩm định.
Như vậy trong tương lai, đến năm 2050 Việt Nam sẽ có khoảng 400 sân golf quy hoạch mới (bên cạnh 102 sân golf hiện trạng). Nếu so sánh số sân golf này trên tổng dân số dự báo (khoảng 108,5 triệu dân vào năm 2049 theo kịch bản của Tổng cục thống kê và Quỹ dân số Liên hợp quốc) với các quốc gia trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc thì số lượng sân chưa phải là nhiều.
Tuy nhiên, nếu xem xét về ảnh hưởng của sân golf đến các vấn đề như: Tác động môi trường, chiếm dụng tài nguyên đất, nước… thì có lẽ lãnh đạo các địa phương đang muốn đẩy mạnh phát triển sân golf sẽ cần cân nhắc một cách cẩn trọng về số lượng, vị trí và quy mô phát triển của các sân golf.
Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp golf – Ảnh minh họa.
Những vấn đề đặt ra
Khoảng hơn 10 năm trước, khi golf mới phát triển ở Việt Nam, đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra những vấn đề cần lưu ý khi phát triển golf đối với các vấn đề đất đai, môi trường, tài nguyên và xã hội. Trong những năm tới, với số lượng lớn các sân golf dự kiến được xây dựng và đưa vào khai thác thì rõ ràng cần có đánh giá chính xác những vấn đề đặt ra khi phát triển sân golf đối với tất cả các khía cạnh kinh tế – xã hội có liên quan.
Đầu tiên là vấn đề sử dụng quỹ đất cho phát triển sân golf. Theo tính toán của Hội kỹ sư thiết kế sân golf Mỹ, trung bình để xây dựng một sân golf 18 hố tiêu chuẩn sẽ cần từ khoảng 48-80 ha đất, chưa kể đến diện tích đất dành cho các công trình phụ trợ hoặc phần diện tích kết hợp phát triển bất động sản, thương mại dịch vụ. Theo quy hoạch, khá nhiều các sân golf dự kiến phát triển có diện tích sử dụng đất dao động từ 100 ha đến 200 ha để kết hợp phát triển thêm các biệt thự sinh thái nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng…
Mặc dù hiện nay, Nghị định số 52/2020/NĐ-CP về “Đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn” trong đó Điều 5 và Điều 6 đã quy định cụ thể về việc xác địa điểm và yêu cầu sử dụng đất đối với sân golf, cụ thể: “Diện tích sân gôn tiêu chuẩn (18 lỗ) không quá 90 ha (bình quân không quá 5 ha trên một lỗ gôn); diện tích Dự án sân gôn xây dựng lần đầu không được quá 270 ha (54 lỗ gôn).”
Tuy vậy, việc khai thác và sử dụng một quỹ đất lớn tới hàng trăm ha cần được nghiên cứu và đánh giá một cách kỹ lưỡng ở tất cả các khía cạnh: Kinh tế, xã hội và môi trường. Bởi, nguy cơ nhà đầu tư núp bóng dự án sân golf để lồng ghép các loại hình bất động sản như biệt thự nghỉ dưỡng, nhà hàng, khách sạn,… qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xin cấp phép dự án, hoặc mở ra cơ hội cho câu chuyện chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong tương lai là hoàn toàn có thể xảy ra và chính quyền địa phương cần có phương án quản lý chặt chẽ.
Về nguồn nước và môi trường cũng cần được nghiên cứu kỹ trong quá trình lập quy hoạch và xây dựng sân golf.
Theo ước tính của Hiệp hội golf Mỹ, mỗi sân golf tiêu chuẩn tại các vùng khí hậu khô nóng cần khoảng 8.000 m3 nước để tiêu thụ mỗi ngày, tương đương với nhu cầu dùng nước của 8.000 – 13.000 hộ gia đình. Vì vậy, nếu xây dựng sân golf tại các khu vực không dồi dào về nguồn nước sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất và sinh hoạt. Nếu không quản lý tốt nhu cầu dùng nước cho hoạt động của sân golf cũng sẽ dẫn tới tình trạng khai thác trái phép nguồn nước, gây cạn kiệt nguồn nước, thiệt hại tài nguyên quốc gia cũng như có thể gây ra các tình trạng sụt lún, sập lở thành vách địa tầng, gây nguy hiểm cho các hoạt động sinh hoạt và sản xuất trong khu vực có sân golf đang hoạt động.
Bên cạnh đó, tác động đối với môi trường cũng là vấn đề quan ngại, khi các sân golf cần sử dụng rất nhiều hoá chất để chăm sóc bề mặt cỏ. Vì vậy, cần xem xét, đánh giá cụ thể tác động về môi trường khi xây dựng sân golf tại các vị trí nhạy cảm về môi trường như gần các khu vực nguồn nước, khu vực sản xuất nông nghiệp, khu dân cư…
Giải pháp cho sự phát triển bền vững
Kinh tế phát triển và đi cùng với đó là sự gia tăng về nhu cầu giao lưu, giải trí, nghỉ dưỡng, rèn luyện, chăm sóc sức khỏe. Phát triển các sân golf được xem là một trong những giải pháp phù hợp, đã được chứng minh trong thực tiễn ở nhiều nước phát triển trên thế giới.
Tuy nhiên, quy hoạch và phát triển sân golf với số lượng, quy mô thế nào để vừa có thể tạo ra động lực phát triển kinh tế của địa phương, đồng thời, có thể tạo ra sự phát triển cân bằng và bền vững về môi trường, thì cần có những nghiên cứu, đánh giá một cách kỹ lưỡng ngay từ giai đoạn quy hoạch, khi tính toán xác định vị trí, số lượng, quy mô các sân golf định phát triển.
Một số giải pháp cụ thể có thể xem xét bao gồm:
Thứ nhất, cần quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất cho sân golf theo quy định của Điều 5 về các “Điều kiện sử dụng đất để thực hiện dự án sân golf”, Nghị định số 52/2020/NĐ-CP về “Đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn”, đặc biệt là về các loại đất không được sử dụng để xây dựng sân golf, các yêu cầu, điều kiện phát triển san golf ở vùng trung du, miền núi, việc sử dụng đất tại vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực có yếu tố gốc cấu thành di tích để xây dựng sân golf…
Thứ hai, tại bước lập quy hoạch, cần tính toán số lượng sân golf phù hợp, dựa trên nhu cầu của người chơi trong khu vực, tương ứng với dự báo về số lượng người chơi trong tương lai, cùng với đó là các tính toán về bán kính phục vụ, cự ly di chuyển, hạ tầng giao thông kết nối để xem xét tính khả thi của việc phát triển sân golf. Mật độ sân golf quá nhiều trong một khu vực sẽ gây tác động lớn đến môi trường mà trong giai đoạn ngắn chưa thể đánh giá hết hậu quả.
Thứ ba, cần kiểm soát chặt việc đề xuất dự án làm sân golf nhưng lồng ghép kết hợp kinh doanh bất động sản, khu du lịch, khách sạn… Cần đưa ra những quy định để nhà đầu tư cam kết không được phép chuyển đổi mục đích sử dụng từ dự án sân golf sang kinh doanh bất động sản hay vì mục đích khác, hoặc chuyển đổi mục đích khi kinh doanh không hiệu quả.
Thứ tư, bên cạnh việc thực hiện theo đúng các quy định quản lý về pháp luật đất đai thì cần đánh giá chính xác nhu cầu sử dụng tài nguyên nước cho phát triển sân golf. Cần xem xét tổng thể nhu cầu sử dụng nước cho sân golf với nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt, sản xuất trong khu vực trên cơ sở trữ lượng tài nguyên nước hiện có và những biến đổi làm suy thoái, cạn kiệt nguồn nước do biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế trong tương lai.
Thứ năm, kiểm soát chặt chẽ nhu cầu sử dụng phân bón và các chất hóa học khi khai thác vận hành sân golf. Cần có những đánh giá cụ thể, quan trắc thường xuyên về hiện trạng môi trường đất, nước, không khí, ánh sáng… tại các sân golf đang hoạt động, để từ đó đưa ra được những giải pháp ngăn chặn, giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường.
Có thể thấy, sự phát triển mạnh mẽ của golf trong vài năm trở lại đây chính là minh chứng cho sự tăng trưởng kinh tế cũng như khả năng hội nhập quốc tế của thị trường du lịch Việt Nam. Với lợi thế về các điều kiện cảnh quan và cơ chế thu hút đầu tư thông thoáng, sẽ ngày càng có nhiều nhà đầu tư quan tâm phát triển sân golf, tạo ra những động lực phát triển kinh tế địa phương và đóng góp vào sự phát triển của quốc gia.
Tuy nhiên, các địa phương cần có một cách tiếp cận trách nhiệm hơn trong việc thu hút đầu tư phát triển sân golf, và điều này cần thể hiện ngay từ các quy hoạch hệ thống sân golf đang được lập. Để từ đó, việc phát triển golf sẽ vừa tạo ra động lực thúc đẩy kinh tế – văn hoá – du lịch, nhưng cũng đồng thời đảm bảo các mục tiêu phát triển cân bằng và bền vững.
*Bài viết của TS. Hán Minh Cường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn S-Group Việt Nam trên Báo Đầu tư