Bản sắc khu đô thị Hà Nội
Sau một vài mô hình thí điểm thành công, ở Hà Nội đã mọc lên hàng loạt các dự án khu đô thị mới với nhiều loại hình, quy mô và tính chất khác nhau. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm đã được thành phố thừa nhận về không gian sống, môi trường trong sạch và hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, các khu đô thị mới cũng bộc lộ nhiều hạn chế, đặc biệt về mặt văn hóa - xã hội và những vấn đề bức xúc cần có hướng giải quyết kịp thời.
THỰC TRẠNG CẢI TẠO CÁC KHU ĐÔ THỊ CŨ NƯỚC TA
Từ sau 1975, đô thị nước ta đã trải qua ba giai đoạn cải tạo đô thị:
1. Tái thiết lại đô thị (1975-1990) là công việc cấp bách đối với các đô thị miền Bắc bị phá hoại, thậm chí bị triệt hạ trong chiến tranh phá hoại bằng không quân của Hoa Kỳ và chiến tranh biên giới do Trung Quốc gây ra. Tái thiết đô thị ở miền Nam chủ yếu là khôi phục hoạt động của hạ tầng đô thị. Nguồn lực tái thiết đô thị dựa chủ yếu vào sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, một phần từ các tổ chức quốc tế (trường học UNICEF) và Chính phủ Phần Lan (cấp nước Hà Nội).
2. Chấn hưng đô thị (1991 - 2000) trong thời kỳ đầu Đổi mới chuyển sang kinh tế thị trường khiến các phố phường tàn tạ vắng vẻ trong thời kỳ bao cấp trở nên nhộn nhịp, sáng sủa. Chủ trương tách tỉnh cũng giúp hồi sinh các đô thị tỉnh lỵ mới. Đất đô thị trở nên có giá và xuất hiện “hiệu ứng mặt tiền” tạo ra giá trị cao cho các thửa đất và công trình dọc phố.
3. Tái phát triển đô thị để phát triển kinh tế (từ 2001 đến nay) khiến các đô thị trở thành những cực tăng trưởng, góp phần đưa nước ta vượt ngưỡng nước nghèo chuyển sang nhóm nước thu nhập trung bình thấp. Bộ mặt các khu đô thị cũ ngày càng trở nên hiện đại với sự xuất hiện các cao ốc, cửa hàng cửa hiệu được tân trang, hạ tầng được cải tạo và nâng cấp, nhiều đường phố và ngõ ngách được mở rộng, chiếu sáng công cộng được hiện đại hóa… Tuy vậy, bên cạnh sự phát triển cũng xuất hiện nhiều thách thức như: suy giảm bản sắc đô thị, thu hẹp không gian công cộng, một số khu vực có mật độ xây dựng quá cao, tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường. Giá đất đô thị tăng vọt khiến chi phí phát triển trở nên đắt đỏ.
CÁC KHU ĐÔ THỊ MỚI HÀ NỘI: ĐƯỢC VÀ CHƯA ĐƯỢC
Hiện nay trên địa bàn Thành phố Hà Nội có khoảng 152 khu đô thị mới (quy mô trên 20ha), với diện tích khoảng 44.406ha, dân số khoảng 2 triệu người. Trong đó có 10 khu đô thị mới (khoảng 466 ha) đã cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng như: Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, Khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì, Khu đô thị Mỹ Đình II. Còn lại có 50 khu đô thị mới (khoảng 28.897ha) đang triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình trên đấy; 92 khu đô thị mới (khoảng 15.325ha) đã được phê duyệt quy hoạch, đang giải phóng mặt bằng, chuẩn bị công tác đầu tư hoặc mới bắt đầu thi công hạ tầng kỹ thuật, chưa xây dựng công trình.
Dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn xã hội thời kỳ 2011 - 2015 là từ 1.400 - 1.500 nghìn tỷ đồng theo giá thực tế (tương ứng khoảng 69 - 70 tỷ USD); và khoảng 2.500 - 2.600 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 110 - 120 tỷ USD) thời kỳ 2016 - 2020.
Đồ án Quy hoạch chung xây dựng thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, với định hướng là xây dựng thành phố Hà Nội trở thành một đô thị xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, có bản sắc trên nền tảng phát triển bền vững. Tổ chức không gian đô thị Hà Nội sẽ theo mô hình chùm đô thị, bao gồm đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh, các thị trấn và vùng nông thôn. Đô thị trung tâm được phân cách với các đô thị vệ tinh, các thị trấn bằng hành lang xanh. Trong đô thị trung tâm có khu nội đô lịch sử (giới hạn từ phía Nam sông Hồng đến đường vành đai 2), khu nội đô mở rộng (giới hạn từ đường vành đai 2 đến sông Nhuệ), khu vực mở rộng phía Nam sông Hồng (từ sông Nhuệ đến đường vành đai 4), khu vực mở rộng phía Bắc sông Hồng (đến Nam sông Cà Lồ). Tại đô thị trung tâm bố trí trụ sở, cơ quan Trung ương, cơ quan đầu não của Nhà nước và các đoàn thể của quốc gia và thành phố...
Quy hoạch cũng chỉ rõ, 5 đô thị vệ tinh gồm: Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sóc Sơn sẽ có chức năng hỗn hợp và đặc thù riêng, hoạt động tương đối độc lập để hỗ trợ và chia sẻ với đô thị trung tâm các chức năng về đào tạo, công nghiệp, dịch vụ, nhà ở. Ngoài ra, khu vực ngoại thành sẽ hình thành các vành đai cây xanh gắn với phát triển các công viên sinh thái quy mô lớn.
Tiếp theo quá trình phê duyệt đồ án Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội, việc triển khai mô hình các khu đô thị mới tại địa bàn Hà Nội đã góp phần tích cực vào việc giải quyết chỗ ở cho người dân thủ đô . Với kết quả phát triển nhà ở trên 1 triệu m2 nhà ở mỗi năm đã tạo không gian đô thị mới, kiến trúc hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ đô thị, đảm bảo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khớp nối với các khu dân cư hiện có, mang lại những không gian mới, theo hướng tích cực cho người dân sinh sống. Có thể nêu lên từ mức độ khá đến cao cấp như khu đô thị Linh Đàm, khu đô thị Việt Hưng, Khu đô thị Ciputra, khu đô thị Vincom Village...
Mặt được và tích cực của các khu đô thị mới triển khai là vậy tuy nhiên những bất cập có thể kể đến là các khu đô thị mới phát triển theo tính tự phát trong kiến trúc, không có một sự gắn kết trong tổng thể, thiếu trầm trọng các công trình hạ tầng xã hội như: bệnh viện, nhà trẻ, trường học. Hoặc nếu có thì ở những vị trí kết nối với các khu ở không được thuận tiện, người dân phải đi xa hơn để tiếp cận với các công trình hạ tầng xã hội nêu trên. Dành vị trí đẹp, góc nhìn đắc đạo cho các công trình cao tầng, thấp tầng để gọi là điểm nhấn. Giải pháp thiết kế đô thị chưa được đánh giá sâu sắc và có tính sáng tạo cũng như thực tiễn cho sử dụng. Bản sắc các khu đô thị có lối kiến trúc hao hao và nhang nhác giống nhau hoặc có những nét riêng không giống ai. Hình ảnh quen thuộc của các khu đô thị mới là các công trình nhà cao tầng nằm co cụm một góc, xung quanh sẽ có các công trình biệt thự, nhà thấp tầng, nhà ở liên kế lọt thỏm hoặc xen giữa. Một sự chênh lệnh về chiều cao quá lớn và đã tạo nên sự “hụt hẫng” và không có nhịp điệu ăn khớp của các công trình nhà cao tầng trong cùng một dự án hoặc đan xen không khớp nối mặt thẩm mĩ với các kiến trúc của các dự án xung quanh: Ví dụ như khu đô thị Nam Trung Yên, khu đô thị Mỹ Đình… Các khu biệt thự, nhà liên kế pha tạp nhiều hình thái kiến trúc với đầy đủ các loại và dạng màu sắc. Mật độ xây dựng cao và hệ số sử dụng đất quá lớn khiến các đô thị không có không gian mở cũng như không gian công cộng: quảng trường, công viên, nhà văn hóa, sân đường dạo, cây xanh, mặt nước. Nhìn chung, các khu đô thị đều thiếu các công trình hạ tầng xã hội: trường học, nhà trẻ, trạm y tế, bãi đỗ xe… Các chủ đầu tư khi triển khai xây dựng dự án đều chỉ tập trung chính cho khu vực các công trình. Phần hạ tầng xã hội luôn để sau và có thể xin điều chỉnh khi các công trình nhà cao tầng, liên kế, biệt thự, thấp tầng đi kèm nếu như các vị trí để triển khai hạ tầng xã hội ở vị trí đẹp, có tầm nhìn tốt. Các công trình hạ tầng xã hội tuy diện tích có thể đáp ứng phục vụ cho khu đô thị sẽ phải nằm ở những góc hẹp, xấu và xa hơn. Sự kết nối bán kính phục vụ chung cho người dân ở trong và ngoài khu đô thị luôn ở mức độ trung bình.
Bên cạnh đó là sự liên thông, kết nối giao thông, thoát nước, xử lý nước thải… Nhiều nơi việc cung cấp nước sạch không đảm bảo, chất lượng nước còn có nhiều vấn đề, hệ thống chiếu sáng tại một số khu vực trong khu đô thị còn thiếu. Bên cạnh đó việc quản lý vận hành các khu nhà ở trong khu đô thị, nhất là các nhà chung cư sau đầu tư còn không thống nhất, chưa có cơ chế chính sách về quản lý khai thác sau đầu tư đối với các dự án phát triển nhà ở và khu đô thị, nhất là nhà ở cao tầng không rõ mô hình quản lý, chính sách vận hành: Ví dụ như diện tích tầng 1, tầng hầm, các khu dịch vụ của nhà chung cư…Các tác động xấu nêu trên đã, đang và sẽ ảnh hưởng trực tiếp cho người dân khi sinh sống.
Thêm vào đó là tình trạng ách tắc giao thông thường xuyên xảy ra tại các cửa ra vào ở các khu đô thị như: Khu đô thị mới Định Công, Bắc Linh Đàm, Đại Kim… Sự gia tăng đột biến của các phương tiện giao thông cũng như các xe tải quá khổ quá nặng đã làm cho sự bụi bặm, ô nhiễm, các hoạt động ở các nút này luôn quá tải và tắc nghẽn vào giờ cao điểm. Khu đô thị mới Đại Kim có cao độ nền trong khu đô thị cao hơn hoặc thấp hơn khu vực xung quanh nên không có sự khớp nối hệ thống thoát nước gây nên úng lụt cục bộ sau những trận mưa to, gây khó khăn cho giao thông đi lại của khu vực. Thiếu biển báo, hướng dẫn về tín hiệu giao thông ở các điểm giao cắt nên tình trạng mất an toàn cũng luôn xảy ra nhất là vào buổi tối. Sự ùn tắc, thiếu bãi xe ngầm, hệ thống bãi đỗ xe nổi, lấn chiếm vỉa hè, không gian công cộng như công viên, vườn hoa... diễn ra phổ biến.
Quá trình phát triển mạnh mẽ trên nhiều phương diện của các nước trên thế giới như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ… đã chỉ ra: Khi triển khai xây dựng các khu đô thị cần triển khai đồng bộ hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, song hành đó là các công trình đi kèm. Trên nước ta, không riêng gì Hà Nội, thì ngược lại. Phải chăng đó là do nguồn vốn mỏng của Chủ đầu tư hay chiến lược làm dự án của nhà đầu tư để xoay vòng vốn cho dự án khác khi một lúc họ phải lo làm nhiều việc?
Các khu ĐTM tại Hà Nội cần có giá trị bản sắc mới với dấu ấn thời gian
ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ
Để xây dựng bản sắc riêng cho đô thị Hà Nội cần ưu tiên hàng đầu những yếu tố sau:
Về quy hoạch - kiến trúc:
+ Đánh giá rõ sức hấp dẫn của một đô thị. Phải đặt ra những đặc điểm riêng và mạnh cho từng khu đô thị và phải kết nối chúng trong một tổng thể : Tính truyền thống (hòa bình, hữu nghị, tình yêu); Tính đồng bộ, chuyên ngành, tinh tế (hình dáng kiến trúc, chất lượng thiết kế, bản sắc đô thị), sinh thái (Xanh, sạch, đẹp).
+ Việc triển khai xây dựng, cơ quan có thẩm quyền và quản lý nhà nước phải có các giải pháp cụ thể, lộ trình, tiến độ quy định cho các nhà đầu tư khi triển khai và sau khi hoàn thành, tuân thủ chặt chẽ các quy định, quy phạm của nhà nước ban hành: Quy chế quản lý đô thị, Thông tư, Nghị định, Quy chuẩn xây dựng Việt Nam; Tiêu chuẩn thiết kế chuyển ngành, Luật quy hoạch đô thị 2009... Bên cạnh đó là những cơ chế thỏa đáng tích cực của Nhà nước cho các nhà đầu tư khi triển khai dự án.
+ Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư và công bố quy hoạch theo Luật quy hoạch đô thị 2009 là một điều vô cùng quan trọng và cấp thiết. Khi triển khai dự án cần được công bố rộng rãi trên nhiều phương tiện: Báo chí, truyền hình, Internet, phiếu ý kiến thăm dò gửi cho từng hộ dân từ khâu lập, thẩm định quy hoạch, giám sát thực hiện quy hoạch, quản lý khai thác, sử dụng và điều chỉnh quy hoạch cũng như tham gia đầu tư.
+ Tăng cường giám sát chặt chẽ không chỉ có các cơ quan quản lý mà còn của các hộ dân sinh sống tại khu đô thị theo sự phân cấp trong văn bản các quy định về: chi tiết thiết kế kiến trúc, màu sắc, sự đồng bộ về kiến trúc trong ngôn ngữ của các khu đô thị, song hành triển khai hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện, nhà trẻ, hồ nước, cây xanh... Các khu đô thị mới phải có những ban quản trị, quản lý thật tốt. Họ chính là những người có quyền tổ chức, đảm bảo an toàn cho mình trong những ngôi nhà mà họ được làm chủ sở hữu. Cần quy định trách nhiệm và quyền hạn của chủ sở hữu ở khu đô thị chứ không thể thuộc về nhà đầu tư hay ban quản lý do nhà đầu tư lập ra.
Về hạ tầng kỹ thuật:
Có giải pháp đấu nối kịp thời hạ tầng kĩ thuật giữa các dự án lân cận với nhau, giải pháp sử dụng nguồn nước, thoát nước thải, xử lý chất thải, giải pháp tăng cường vấn đề tín hiệu giao thông, biển báo, cảnh sát và an ninh trong khu đô thị. Cần ưu tiên hoàn chỉnh gấp quy hoạch giao thông Hà Nội với các chính sách, hướng giải quyết đi kèm như:
+ Giảm lưu lượng xe cá nhân trong nội thành; nhanh chóng phát triển các tuyến vận tải trong nội thành: Xe buýt chất lượng cao, xe điện, tàu điện ngầm, thuận tiện, an toàn, giá rẻ... các cầu vượt ngầm, trên cao sẽ là giảm tối đa sự ách tắc, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường.
+ Nâng cao ý thức của mỗi người dân trong việc sinh hoạt, sử dụng phương tiện cá nhân và việc chấp hành tốt ý thức sinh hoạt, tham gia giao thông không chỉ trong khu đô thị mà chung trên toàn Thành phố Hà Nội.
THAY CHO LỜI KẾT
Việc tạo ra giá trị bản sắc mới với dấu ấn thời đại không những là trách nhiệm, mà còn là thử thách lớn lao cho thế hệ hiện tại khi mà mọi thứ đều qua đi, chúng ta không còn nữa, con cháu chúng ta muốn tìm câu trả lời cho câu hỏi “thời đại nửa cuối thế kỷ 20 đến nửa đầu thế kỷ 21 đã để lại được những di sản gì đáng kể cho đất nước, trong đó có di sản đô thị?”.
Có thể nói con đường đi tìm bản sắc mới của chúng ta đang chệch hướng. Thay vì dấn thân khai phá bản sắc mới tại những vùng đất mới, thì người ta lại thường tự buộc mình loanh quanh chen chúc trong khung cảnh cũ, và quá nóng vội một cách đáng tiếc trong việc thay thế dần dần, nếu không nói là hủy hoại, những bản sắc đang có và đã được thế giới công nhận, bằng những bản sắc mới chưa được khẳng định!
Con đường tìm bản sắc mới tuy khó khăn nhưng rất vinh quang nếu có sự đoàn kết và lòng quyết tâm dài hạn của nhiều thế hệ tiếp nối nhau. Trong lịch sử Việt Nam, vua Lý Thái Tổ từng lập nên kinh đô Thăng Long vào đầu thế kỷ 11. Nhiều đời chúa Nguyễn xây dựng nền tảng cho Phú Xuân phát triển thành kinh đô Huế. Nhà kinh doanh Quách Đàm tặng chợ Bình Tây cho người dân và xây dựng nên một khu vực trù phú hàng đầu miền Nam tại Chợ Lớn với bản sắc độc đáo vào đầu thế kỷ XX...
ThS.KTS Trần Trung Hiếu - Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội
(Nguồn: ashui.com)