HỘI ĐỒNG THẨM ĐỊNH THÔNG QUA QUY HOẠCH TỈNH VĨNH PHÚC
Ngày 20/9/2023, Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tổ chức phiên họp. ACUD Việt Nam tham gia với vai trò Đơn vị đứng đầu Liên danh tư vấn lập quy hoạch. Kết luận cuộc họp, Hội đồng thẩm định đã nhất trí thông qua đồ án Quy hoạch.
Dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định, sáng ngày 20/09/2023, Hội đồng thẩm định đã tiến hành thẩm định, biểu quyết bằng phiếu đánh giá và thông qua quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với điều kiện có chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện.
Tham dự Hội nghị có các thành viên Hội đồng thẩm định là đại diện các bộ, ngành; các chuyên gia – ủy viên phản biện và đại diện lãnh đạo các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Về phía tỉnh Vĩnh Phúc có Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc; Phó Bí thư Thường trực Phạm Hoàng Anh; Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan.
Về phía Liên danh tư vấn gồm: Công ty Cổ phần Công nghệ Xây dựng ACUD Việt Nam – Đơn vị đứng đầu Liên danh; Sở Xây dựng – Viện Quy hoạch Xây dựng Vĩnh Phúc; Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất – Trung tâm điều tra, quy hoạch và định giá đất đai.
Đại diện đơn vị đứng đầu liên danh gồm: Ông Hán Minh Cường – Chủ nhiệm đồ án, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn S-Group Việt Nam; Ông Bạch Ngọc Tùng – Giám đốc ACUD Việt Nam; Bà Trần Thị Thu Hà – Trưởng Ban Phát triển Dự án S-Group Việt Nam.
Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Bộ Kế hoạch & Đầu tư)
Phát biểu mở đầu Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, việc lập và triển khai quy hoạch thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu và là cơ hội quý để tạo ra không gian phát triển mới và động lực phát triển mới trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, vùng và địa phương.
Thứ trưởng cũng chấn mạnh đến những thuận lợi trong bối cảnh lập quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc để xem xét, cụ thể hóa những định hướng phát triển trên địa bàn tỉnh thông qua quy hoạch như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025; Quy hoạch tổng thể quốc gia;…
Đồng thời cho rằng, bên cạnh những lợi thế, kết quả đạt được, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn còn một số khó khăn, thách thức cần giải quyết như GRDP đầu người của Vĩnh Phúc vẫn ở nhóm trung bình vùng Đồng bằng sông Hồng, chưa đạt theo kỳ vọng đặt ra. Độ mở và tính liên kết của nền kinh tế chưa tương xứng với vị trí chiến lược nằm trên các hành lang kinh tế lớn, là vệ tinh tương trợ, kết nối phát triển với Thủ đô Hà Nội trên nhiều lĩnh vực.
Bí thư tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Bộ Kế hoạch & Đầu tư)
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan cho biết, tỉnh Vĩnh Phúc xác định quy hoạch tỉnh có vai trò rất quan trọng, là hành lang pháp lý quan trọng để từ đó hoạch định các chính sách phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nói chung và tham gia phát triển kinh tế – xã hội của vùng nói riêng, nhất là trong công tác thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội.
Đặc biệt, việc lập quy hoạch lần này là cơ hội để tỉnh tổng kiểm kê, rà soát, đánh giá các điều kiện tự nhiên, đánh giá các nguồn lực phát triển và nhận diện các vấn đề mấu chốt, các điểm nghẽn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong thời kỳ quy hoạch. Từ đó, đưa ra quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu chiến lược, nhất là việc phân bổ không gian, nguồn lực phát triển. Quy hoạch là cơ sở cụ thể hóa khát vọng, quyết tâm phát triển trên địa bàn của tỉnh.
Bà Hoàng Thị Thúy Lan cho biết, trong suốt thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan trong quá trình xây dựng quy hoạch và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các chuyên gia, nhà khoa học, các bộ, ngành để sau khi quy hoạch được phê duyệt từng bước hiện thực các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu kết luận Hội nghị. (Ảnh: Bộ Kế hoạch & Đầu tư)
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương thống nhất một số nội dung được Hội đồng nêu và cho rằng, tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện nghiêm túc quy trình lập quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Nội dung quy hoạch đã thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới và khát vọng phát triển của tỉnh; thể hiện được sự liên kết và đồng bộ giữa định hướng phát triển của tỉnh và việc sắp xếp, phân bổ không gian các hoạt động kinh tế – xã hội.
Về cơ bản, nội dung Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc đã đáp ứng yêu cầu quy định của Luật Quy hoạch; đồng thời, kết quả đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch cơ bản đảm bảo yêu cầu theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Hội đồng thẩm định đã tiến hành biểu quyết bằng phiếu đánh giá với kết quả: 29 phiếu Thông qua, trong đó 02 phiếu thông qua không cần chỉnh sửa, 27 phiếu thông qua với yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung./.